THÔNG TIN TUYỂN SINH

Vay tiền ăn học ở đâu?

Năm học 2017 – 2018, Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) tiếp tục được thực hiện, tạo điều kiện cho HSSV được vay tiền ăn học. Cần làm các thủ tục gì để được vay tiền đi học?

Chính sách tín dụng đối với HSSV được áp dụng để hỗ trợ cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn bao gồm: tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại.

Quy trình, thủ tục

HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề gồm: HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật; HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học nếu được UBND cấp xã xác nhận là đối tượng cứu trợ đột xuất cũng được vay.

Theo quy định, việc cho vay đối với HSSV được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cả cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở. Điều kiện để HSSV được vay vốn: đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay có đủ các tiêu chuẩn quy định trên. Đối với HSSV năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường…

Đầu năm học, HSSV vay vốn phải hoàn tất các thủ tục hồ sơ xin vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội như đối với hộ nghèo vay vốn và có giấy xác nhận của nhà trường (thông thường tại các trường đại học, cao đẳng SV có thể liên hệ Phòng công tác chính trị SV, Trung tâm hỗ trợ sinh viên hoặc văn phòng Đoàn – Hội SV trường để được hướng dẫn cụ thể) gửi về cho người thân ở địa phương để làm thủ tục vay. Tân SV nộp giấy báo nhập học (bản chính). Những sinh viên không có người thân vẫn có thể vay trực tiếp tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng phải có xác nhận độc thân bằng văn bản của UBND nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Người vay viết giấy đề nghị vay vốn gửi tổ tiết kiệm và vay vốn địa phương để được giải quyết cho vay. Các hộ gia đình đông con đang theo học vẫn được xem xét cho vay.

Tăng mức cho vay lên 1,25 triệu đồng/tháng

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV. Theo đó, mức cho vay tối đa là 1,25 triệu đồng/tháng/HSSV. So với quy định cũ, mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 150.000 đồng/tháng/HSSV. Quyết định mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9-1-2016, áp dụng đối với các khoản vay mới kể từ khi quyết định này có hiệu lực thi hành.

Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay căn cứ vào mức thu học phí của từng trường, sinh hoạt phí và nhu cầu của người vay để quyết định mức cho vay với từng HSSV. Tuy nhiên, theo thông báo của Ngân hàng Chính sách xã hội VN, chỉ cho HSSV diện khó khăn vay vốn học tập một lần, tối đa 12 tháng. Trường hợp hộ gia đình đã nhận tiền vay đủ 12 tháng nhưng hộ vẫn còn khó khăn hoặc lại khó khăn tiếp vì một trong các lý do như đã nêu được UBND cấp xã xác nhận, HSSV tiếp tục được nhận tiền vay không quá 12 tháng tiếp theo, nhưng không vượt quá thời hạn phát tiền vay theo quy định…

Lãi suất cho vay là 0,65%/tháng, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.  Trong thời hạn phát tiền vay, người được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; lãi tiền vay được tính kể từ ngày người được vay vốn nhận khoản tiền vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc. Người được vay vốn phải trả nợ gốc và tiền lãi vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết khúc khóa học. Mức trả nợ mỗi lần do Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn và được thống nhất trong hợp đồng tín dụng.

HSSV ra trường làm giấy cam kết trả nợ, lúc đó nhà trường mới xác nhận HSSV đó tốt nghiệp và cấp giấy chứng nhận hay phát bằng tốt nghiệp. Hết thời hạn một năm khi ra trường HSSV phải cam kết trả nợ hàng năm, thời gian có thể bằng một chu kỳ vay 4 – 5 năm. Trường hợp người vay vốn trả nợ trước hạn đã cam kết trong hợp đồng tín dụng lãi suất phải trả sẽ được giảm lãi vay.Ngân hàng Chính sách xã hội quy định cụ thể mức vay ưu đãi lãi suất trong trường hợp trả nợ trước hạn.

Đến kỳ trả nợ cuối cùng, người vay có khó khăn chưa trả được nợ phải có văn bản đề nghị gia hạn nợ thì được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gian hạn nợ; thời gian gia hạn nợ tối đa bằng ½ thời hạn trả nợ. Trường hợp người được vay vốn không trả nợ đúng hạn theo kỳ hạn trả nợ cuối cùng và không được phép gia hạn nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển thành nợ quá hạn. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội có biện pháp thu hồi nợ. Ngân hàng Chính sách xã hội quy định cụ thể việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn trả nợ và chuyển nợ quá hạn.

Mức chuẩn nghèo mới trong giai đoạn 2016 – 2020

Thủ tướng Chính phủ đã có dự thảo Quyết định về việc ban hành tiêu chí và mức chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.

Cụ thể, dựa vào các tiêu chí sau để xác định mức chuẩn nghèo:

1. Tiêu chí về thu nhập: chuẩn mức sống tối thiểu: từ 1,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở thành thị và 1 triệu đồng người/người/tháng tại nông thôn; chuẩn nghèo chính sách:  từ 1 triệu đồng/người/tháng trở xuống tại thành thị và 800.000 đồng/người/tháng tại nông thôn; chuẩn mức sống trung bình: từ 1,95 triệu đồng/người/tháng trở xuống tại thành thị và 1,5 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn.

2. Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

Dựa vào 2 tiêu chí trên để xác định mức chuẩn nghèo: Hộ nghèo: là hộ đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí sau: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ chuẩn nghèo chính sách trở xuống; có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách đến chuẩn mức sống tối thiểu và từ 1/3 tổng số điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo: là hộ cóthu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách đến đến chuẩn mức sống tối thiểu và dưới 1/3 tổng số điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vũ xã hội cơ bản: là hộ cóthu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn mức sống tối thiểu và từ 1/3 tổng số điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ có mức sống dưới trung bình: là hộcóthu nhập bình quân đầu người/tháng dưới chuẩn mức sống trung bình và cao hơn chuẩn mức sống tối thiểu.

(Nguồn TTO)