Từ những môn lý thuyết khô khan
Trên giảng đường đại học, khi nghe đến các môn cơ sở, môn lý thuyết, đa số sinh viên đều cảm thấy ngán ngẩm, chỉ chú trọng học thuộc lòng, học vẹt, học đối phó để vượt qua các kỳ thi, không cần tìm hiểu để hiểu bài và vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Nhiều giờ học sinh viên chỉ chăm chú ghi chép lời giảng của thầy cô, hay cắm cúi vào giáo trình dẫn đến các tiết học trôi qua trong sự nhàm chán, thiếu sức sống, sức hấp dẫn, không tạo được cảm hứng cho người học. Hiện tượng này khá phổ biến trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, đôi khi còn tạo ra tâm lý ức chế, gò bó cho người học.
Đến những giờ học đầy ấp tiếng cười
Tại khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tây Đô, sinh viên được đào tạo theo phương pháp “lấy người học làm trung tâm”, thầy cô chỉ là người định hướng, hỗ trợ sinh viên. Tôi có dịp dự khán học phần Phong tục tập quán Việt Nam và Các dân tộc của lớp Việt Nam học 8 và hoàn toàn bất ngờ và thích thú với các phần báo cáo của các nhóm. Với chủ đề Lễ cưới người Việt, sinh viên sẽ tìm hiểu và biểu diễn tất cả các phong tục cần có của một đám cưới truyền thống từ lễ đính hôn đến lễ vu quy và tân hôn. Hay như trong học phần Các dân tộc, sinh viên diễn lại toàn cảnh Phiên chợ tình của người H’Mông và điệu múa của người Dao.
Nói về lợi ích của việc đưa sân khấu hóa vào học tập trên giảng đường, sinh viên Tân Phan Gia Bảo lớp Việt Nam học 8 cho rằng “đây là một hoạt động giúp cho sinh viên có thể nhớ bài học đưa lâu hơn. Bên cạnh đó, các bạn còn được tiếp xúc thực tế những kiến thức đã học giúp cho bản thân được trải nghiệm”.
“Việc đưa sân khấu hóa vào các học phần cho sinh viên là rất cần thiết. Các bạn được trải nghiệm thực tế với môn học từ đó giúp các bạn có thêm chiều sâu trong kiến thức. Bên cạnh lợi ích từ môn học, các bạn sinh viên còn tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, biết phân chia công việc và cố gắng hoàn thành chương trình mà mình đang thực hiện. Qua đó, các bạn vừa học được kiến thức vừa trau dồi được kỹ năng mềm đang rất cần thiết cho sinh viên trên giảng đường” (Cô Nguyễn Thị Mai Hương, GVCN lớp Việt Nam học 8)
Tương lai cho những giờ học lý thuyết sinh động
Đổi mới phương pháp giảng dạy là mục tiêu hàng đầu của khoa Ngữ văn Trường Đại học Tây Đô, với mục tiêu lấy người học làm trung tâm, giúp sinh viên trải nghiệm thực tế về các khía cạnh ngôn ngữ, văn hóa, du lịch, đồng thời tăng cường thực hành, sắp tới đây Khoa sẽ tiếp tục nghiên cứu để tăng cường thêm một số học phần để giờ học của sinh viên thêm sinh động, giúp sinh viên tiếp thu, trải nghiệm và vận dụng lý thuyết một cách nhuần nhuyễn trong thực tế (ThS. Tăng Tấn Lộc, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tây Đô).
Đăng kí xét tuyển ngành Văn học: xettuyentructuyen/van-hoc