Nhiều năm qua sự phát triển mạnh mẽ về nuôi trồng thủy sản đã giúp ĐBSCL trở thành một trong những vùng trọng điểm về NTTS của nước ta. Đây cũng là một thế mạnh kinh tế đặc biệt của vùng đất này.
Theo Bộ NN-PTNT, cơ cấu sản xuất thủy sản chuyển biến tích cực là tăng tỷ trọng nuôi trồng và giảm tỷ trọng khai thác. Trong đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) phát triển mạnh, thành một nghề sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo... Chính vì vậy, NTTS là ngành học tiềm năng, hầu hết sinh viên (SV) trường ĐH Tây Đô ra trường đều có việc làm ổn định.
Mục tiêu đào tạo
Đến với trường ĐH Tây Đô, SV sẽ được đào tạo thành Kỹ sư NTTS có kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức chuyên môn ngành NTTS hoàn chỉnh; có năng lực vận dụng lý thuyết vào công tác chuyên môn; có phương pháp làm việc khoa học, độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành NTTS; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp hoặc có thể tiếp tục học lên cao học thuộc các chuyên ngành liên quan.
Ngoài kiến thức chuyên môn, SV còn được đào tạo các kỹ năng: Thiết kế, tổ chức và quản lý các hoạt động NTTS; tham gia nghiên cứu và cải tiến công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và nước ngoài; tư vấn kỹ thuật về hoạch định phát triển NTTS bền vững; cung cấp dịch vụ và chuyển giao công nghệ NTTS. Kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành NTTS trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực thủy sản; có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền…
Cơ hội nghề nghiệp
NTTS là một trong những ngành mà SV có cơ hội thực hành, thực tập thực tế nhiều nhất. Ngành NTTS được đào tạo theo hướng ứng dụng, tăng kỹ năng nghề nghiệp được chú trọng học phải đi đôi với hành bằng các học phần thực tập tại phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm hay trại sản xuất, công ty NTTS… Đó là cơ hội rất tốt giúp SV ôn lại kiến thức lý thuyết và vận dụng linh hoạt vào thực tế.
Vừa qua, SV ngành Nuôi trồng thủy sản, trường ĐH Tây Đô đã có chuyến đi tham quan kiến tập thực tế tại các cơ sở sản xuất giống và nuôi thủy sản. Bạn Châu Mạnh Thường, lớp NTTS 11, trường ĐH Tây Đô chia sẻ về chuyến đi thực tế của lớp mình: “Qua chuyến đi tham quan thực tế tại Công ty sản xuất giống thủy sản cấp 1 Ninh Thuận, Công ty hàu Thái Bình Dương Nha Trang (nuôi bè), Công ty thủy sản Vạn xuân, viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, tham quan mô hình nuôi cá tầm - cá hồi đã giúp cho SV chúng em tiếp cận được các quy trình nuôi các loài thủy sản. Được các thầy cô, anh chị lâu năm trong nghề tận tình hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc mô hình nuôi khác nhau giúp nâng cao kiến thức hiểu biết cho chúng em, giúp chúng em có thể ứng dụng vào thực tiễn. Trong chuyến đi, chúng em cũng đã tăng sự gắn bó đoàn kết giữa các thành viên trong lớp, những người sau này là đối tác của nhau”.
Sau khi tốt nghiệp, SV có thể làm việc tại các cơ sở NTTS; sản xuất, dịch vụ giống và thức ăn nuôi trồng thủy sản; tư vấn và chuyển giao công nghệ NTTS; cơ quan khuyến ngư và quản lý nguồn lợi thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước về nuôi trồng - chế biến thủy sản; cơ sở nghiên cứu (viện, trung tâm,...), làm việc tại Cơ quan quản lí nhà nước: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT, Phòng NN-PTNT, Trung tâm khuyến nông tại các tỉnh, huyện… trạm khuyến nông và các bộ, sở, ban ngành liên quan; nuôi trồng và kinh tế thủy sản và có thể tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo.
Download tài liệu